Đỗ Tiến Đức 
với tác phẩm mới nhất 
"Tiếng Xưa"

Người đọc: Vĩnh Liêm

Tôi vừa nhận được một món quà trước ngày lễ mừng Độc Lập của Hoa Kỳ, đó là cuốn tuyển tập truyện ngắn "Tiếng Xưa" của nhà văn Đỗ Tiến Đức. Nhân ngày lễ nên tôi mới có dịp đọc hết cuốn Tiếng Xưa. Cũng như tám năm về trước, khi nhận được tập truyện "Vầng Trăng Trong Mưa" (in năm 1993) của nhà văn Đỗ Tiến Đức, tôi đã phải đọc ngay và đọc hết cuốn truyện trong một ngày cuối tuần. Với tôi, truyện và thơ là hai món quà tinh thần trân qúi nên phải đọc ngay. Hơn thế nữa, tôi rất thích đọc truyện của nhà văn Đỗ Tiến Đức, vì những câu chuyện được xây dựng rất gần gũi với người đọc. Và nay, cuốn Tiếng Xưa lại gần gũi hơn vì đề tài xoay quanh người Việt tị nạn.

Tập truyện Tiếng Xưa dày 314 trang, bìa in màu, giá 15 Mỹ kim. Tác phẩm không có mục lục (tác giả quên hay cố tình quên?) nên người đọc phải tự tìm lấy. Tiếng Xưa gồm có 6 truyện, xin ghi lai theo thứ tự như sau: Bên Kia Sông (trang 6), An Nhi (trang 89), Một Tiếng Em (trang 139), Im Lặng Của Lửa (trang 169), Ngàn Thương (trang 198), và Tiếng Xưa (trang 241). Truyện Bên Kia Sông và Tiếng Xưa là hai truyện dài nhất. Các truyện còn lại thì dài trung bình. Không có truyện nào ngắn nhất. Người đọc có cảm tưởng là mỗi một truyện của Tiếng Xưa là một truyện dài được cô đọng lại. Có nghĩa là tác giả có thể kéo dài cái truyện đó ra để trở thành một truyện dài theo ý muốn mà không làm cho cái truyện đó thiếu sự hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

"Bên Kia Sông" được diễn ra tại Hoa Thịnh Đốn, nơi có sông Potomac, và kết thúc ở Miên. Nhân vật chính xưng tôi là người đã "hoa thơm chơi cả cụm" nên phải qua tận xứ Miên để gặp lại "người tình" (vì lỡ dại) và đứa con rơi. Người tình đó chính là cô em vợ tên Hân. Khi gặp lại người tình, tưởng đã gặp được con (tên Daisy) nhưng không ngờ đứa con đã bị bắt cóc. Thế là có một cuộc hành trình dài và gian khổ đi tìm chuộc lại đứa con. Tại sao Daisy bị bắt cóc? Ai hay tổ chức nào đã bắt cóc Daisy? Họ bắt cóc Daisy nhằm mục đích gì? Cái hay của tác giả là đã trả lời đầy đủ ba câu hỏi hóc búa ấy.

Khi tả sắc đẹp của Hân, tác giả viết: "Ba chúng tôi sống chung trong cảnh hòa thuận và hầu như tôi quên hẳn Hân là một cô gái, có lẽ vì nàng xấu xí quá nên ngay cả khi đụng chạm, ôm nhau, hay thấy nàng ăn mặc hở hang cũng không gây cho tôi một cảm xúc nào do sự khác phái tính." (trang 15 & 16) Thế thì tại sao lại có sự lẹo tẹo gây ra rắc rối như thế? Chẳng qua vì Hân bị bệnh nên ông anh rể cạo gió cho cô em vợ và sẵn dịp "làm thịt" nàng luôn (phá trinh). Đoạn gay cấn này được tác giả diễn tả như sau:

"Hân cựa mình, với tay lấy hộp dầu cù là và đồng 25 xu để sẵn trên đầu giường, đưa cho tôi, rồi nàng nằ? xấp xuống vừa kéo chiếc áo lên cao để lộ mảng lưng đầy đặn trắng mát trước mặt tôi. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ở người con gái này toát ra chất kích thích đầy nữ tính. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi bắt gặp tôi khi đụng chạm vào Hân mà lòng tôi dâng lên một cảm giác thèm muốn háo hức. Ngón tay tôi ướt dầu cầm đồng tiền cạo gió cho Hân, và tôi chợt nhận ra tôi đã cố tình chà quét những ngón tay tôi lên lưng Hân, tạo nên sự đụng chạm khêu gợi. Còn mắt tôi như đã dính vào bầu vú nàng vì bị ép xuống mặt giường nên phồng cương thành một khối như chiếc bánh dầy quá khổ bằng nếp đầu mùa trắng muốt."

"Rồi vào một phút thật bất ngờ ngoài sự kiểm soát của tôi, bàn tay tôi từ trên lưng Hân đã lao xuống, đã sờ, đã đụng vào cái bánh dày đó. Hân vẫn gục mặt trên gối, nhưng tôi thấy nàng không biểu lộ một động tác chống cự nào mà dường như, không biết tôi có chủ quan hay không, thấy thân thể nàng hơi cong lên như để tạo cơ hội cho bàn tay tôi xâm chiếm trọn hai bầu vú của nàng. Và rồi, tôi đã đè Hân ra, không một lời, tự mình hùng hục thỏa mãn cơn đòi hỏi đầy thú tính." 

"Tôi xin nói rất thành thật rằng lúc đó tôi không yêu Hân. Tôi đã phá trinh Hân chỉ vì cơn điên cuồng của một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh, nhất là đang sung sức vì đã một tháng không được gần đàn bà. Đầu óc tôi sau đó chỉ lẩn quẩn bào chữa, rằng tại sao Hân không chống cự tôi? Có phải Hân không chống cự tức là Hân bằng lòng? Mà theo tôi thì Hân bằng lòng cũng phải, vì nàng đã ngoài ba chục tuổi mà chưa biết tình dục là gì nên tự nhiên là phải thèm khát. Nghĩ như thế nên tôi tìm được sự thanh thản để tiếp tục gần gũi xác thịt Hân mỗi khi Linh vắng nhà." (trang 18 & 19)

Những tình tiết trong tập truyện Tiếng Xưa thật là éo le và gay cấn. Truyện "An Nhi" cũng là một sự éo le mà tác giả đã thêm thắt thật là uyển chuyển và tế nhị. Một nhân vật HO ở Mỹ được đứa con trai đem một người bạn gái về giới thiệu với bố. Cô bé nầy gốc Đài Loan (mẹ Đài Loan, cha Việt Nam). Người mẹ vì nghèo nên phải bán trôn nuôi miệng. Ông bố (mặc dù cô bé chưa hề biết mặt) là một nhân vật khá lớn của nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam. Nhân chuyến công du ở Đài Bắc, ông đã được phái đoàn (người Việt gốc Hoa) trả ơn bằng cách mướn An Kỳ, tức mẹ của An Nhi sau này, làm người chiêu đãi ông trong suốt thời gian công tác ở Đài Bắc. Thế rồi việc gì phải xảy ra đã xảy ra. An Kỳ thụ thai. Mặc dù sau đó An Kỳ có lặn lội qua Sài Gòn tìm người yêu của những đêm ngắn ngủi ở Đài Bắc, nhưng nhân vật này đã có gia đình hẳn hoi nên không giải quyết được gì cả. Thế là An Kỳ phải trở lại Đài Bắc, sống trong sự nghèo túng, tận tụy dưỡng nuôi An Nhi hầu trở thành người hữu dụng sau này. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhân cơn hồng thủy Biển Đông, An Kỳ lo chạy chọt tiền bạc để ba mẹ con (kể cả anh trai cùng mẹ khác cha của An Nhi) được vào trại tị nạn Hồng Kông và để được đi Mỹ. Mục đích của An Kỳ là tìm cho bằng được bố của An Nhi. Nhưng chẳng may An Kỳ ngã bệnh rồi từ trần.

Theo sự tiết lộ của An Nhi thì các chi tiết quả là đúng và nhân vật trong truyện chính là bố của An Nhi, nhưng ông ta chưa dám nhận ngay. Một hôm An Nhi mời ông đi ăn, chỉ có hai "bác cháu" thôi. Trên đường đi, An Nhi bị tai nạn chết một cách thảm khốc.

Truyện "Một Tiếng Em" là một mẩu chuyện thương tâm của một nhân vật nữ bị chứng bệnh đau tim hành hạ, và cũng là đầu mối của một cuộc ngoại tình của nam giới trong vòng đai tị nạn. Nhân vật nam là một bác sĩ, tên Phillip Vũ, và người tình tên Lan Hương, cũng là bệnh nhân của Bác sĩ Vũ. Ông bác sĩ đa tình này đã tả về người đẹp Lan Hương như sau:

"Theo thời gian, tôi ngày một nghĩ nhiều tới Lan Hương. Nếu cho rằng nàng đẹp thì điều này cũng chỉ tương đối. Mãi sau này, khi ăn ở với nhau, tôi mới khám phá ở nàng một vẻ đẹp độc đáo, một vẻ đẹp mà tôi mê mẩn, tôi háo hức, tôi khao khát, vì chỉ có tôi là được thưởng thức. Đó là sau giây phút sung sướng, đôi mắt Lan Hương từ từ nhướng lên như cánh bướm rung động trong giây phút ra khỏi chiếc kén mong manh, như cánh hoa quỳnh mềm mại đang nở ra dưới ánh trăng, như đôi mắt của người đẹp ngủ ngàn năm trong rừng đang từ từ thức dậy vì chàng hoàng tử đang hà những làn hơi ấm áp vào mặt... Tôi nằm trên nàng, quan sát cả khuôn mặt nàng tươi mát, rạng rỡ như mảnh vườn sau cơn mưa xuân, đôi môi nàng hơi hé ra vì nhịp thở dồn dập, mấy chiếc răng trắng muốt lấp ló phía trong như những cánh hoa nhài, chiếc mũi nàng cũng cương lên với hai cánh mũi mọng đỏ phập phồng những khi nàng hít mạnh không khí và xôn xao một âm thanh như gió sớm chạy qua bờ lau hoang vu ở bên dải sông trầm mặc..." (trang 144)

Hai người yêu nhau thật đắm đuối nhưng không thể lấy nhau được vì Vũ đã có vợ và chàng cũng không có ý định thôi vợ để lấy Lan Hương. Còn Lan Hương thì đã thôi chồng nhưng nàng cũng không có ý định cướp chồng của người khác. Thế rồi cơn đau tim cuối cùng đã vật ngã được Lan Hương, đem nàng về bên kia thế giới.

"Im Lặng của Lửa" xoay quanh vấn đề tình yêu và chính trị. Nhân vật chính của truyện là ông Hoàng Hải, cựu nghị sĩ thời đệ nhị Cộng Hòa; còn nhân vật nữ là bà Hoài Nhân, và cũng là chứng nhân của cái chết (tự thiêu) của ông Hoàng Hải. Ông Hoàng Hải gặp bà Hoài Nhân rồi hai người yêu nhau. Bà Hoài Nhân thì góa chồng, còn ông Hoàng Hải thì đang có vợ. Hãy nghe bà Hoài Nhân kể lại mối tình của bà với ông Hoàng Hải như sau:

"Linh cảm của người đàn bà cho tôi hay ông ấy đang tán tỉnh tôi khiến tôi như trẻ lại, tâm hồn tôi tưởng đã héo cằn từ khi chồng tôi mất đột ngột trong đêm ngủ bỗng như một gốc cây vùi trong tuyết đang có những chồi non cựa mình, chui ra khỏi lớp vỏ để vươn lên trong nắng mới. Thú thực, lúc đó tôi chưa thương yêu gì ông ấy. Những lời lẽ, những săn sóc, những món quà của ông ấy mang đến cho tôi chỉ vuốt ve tự ái tôi rằng ít ra nhan sắc tôi cũng còn được một người đàn ông chú ý. Và ngay cả khi để cho ông ấy ôm hôn, tôi cũng vẫn ở trong tâm trạng như vây. Nếu có gì thêm hay khác thì, phải nói rõ rằng từ đáy lòng tôi, dường như tự nhủ rằng thôi thì thân xác mình có gì mà phải giữ nữa, "để đáp lại tấm thịnh tình của qúi vị khán giả", cho ông ấy thỏa mãn thì mình càng có nơi nương tựa, giá rẻ nhất cũng là được giao những hàng dễ may, tiền nhiều và được ăn hủ tiếu nóng khi mệt mỏi." (trang 181 & 182)

Trong lúc hai người đang yêu nhau tha thiết thì tại sao ông Hoàng Hải lại chọn cái chết bằng cách tự thiêu dưới chân tượng Lenin ở Hà Nội? Cũng vì tấm vé số trúng hai trăm ngàn Mỹ kim mà ông Hoàng Hải đã mua cho bà Hoài Nhân. Nhờ tấm vé số này nên cặp tình nhân Hoàng Hải-Hoài Nhân quyết định đi du lịch tại Việt Nam. Tại Chapa, họ gặp đoàn quay phim của Hà Nội. Tên Trọng, chủ nhiệm đoàn quay phim, gặp Hoài Nhân thì mê tít. Hắn gài bẫy để bắt tình và tống tiền Hoài Nhân. Bọn chúng chẳng những đã rút hết tiền trong nhà băng của Hoài Nhân, mà còn tống khứ ông Hoàng Hải về Mỹ và bắt Hoài Nhân ở lại. Có lẽ vì ngán ngẩm trước đòn thâm độc của Cộng sản nên ông Hoàng Hải chuẩn bị cho bà Hoài Nhân về Mỹ trước, còn ông ở lại tự thiêu.

"Ngàn Thương" là một chuyện tình đầy nước mắt. Cặp tình nhân chính trong truyện là Thuần và Bạch Hằng; còn cặp tình nhân phụ trong truyện là Khánh và Hoàng Dung. Thuần gặp Bạch Hằng trong tiệc cưới và rồi hai người mến nhau, yêu nhau. Lúc đó, Thuần đã có vợ, còn Bạch Hằng thì sống độc thân, đúng hơn là một góa phụ. Sáng hôm sau Thuần đến thăm Bạch Hằng tại nhà nàng. Thuần kể lại: "Tôi xúc động trước vẻ đẹp ngái ngủ của Bạch Hằng, ôm vai nàng, khi không thấy nàng chống cự gì, tôi liền tiến thêm một bước, bèn ôm ngang lưng nàng, xiết chặt ngực nàng vào ngược tôi tới độ mà tôi biết chắc chắn rằng nàng không có mang nịt, không áo lót gì hết. Và tôi đã lò tò đi theo Bạch Hằng vào phòng ngủ của nàng." (trang 205). Đã bao nhiêu lần Bạch Hằng quyết định xa lánh Thuần vì nàng biết chắc chắn rằng hai người không thể lấy nhau được, nhưng rồi Thuần vẫn bắt nàng lại cho bằng được. Và cuối cùng, theo lời kể của Bạch Hằng, thì"Cơn khoái lạc tột cùng chiều ngày đó đã bất ngờ để lại trong em một giọt máu của anh." (trang 237)

Chuyện tình của Khánh và Hoàng Dung cũng ngang trái không kém. Cha của Hoàng Dung là một vị Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng giữ chức vụ tư lệnh quân khu, làm tổng trưởng quốc phòng rồi tổng trưởng kinh tế. Còn cha của Khánh cũng là một ông tướng đang làm Bộ trưởng Quốc Phòng của chế độ Cộng sản. Khánh và Hoàng Dung gặp nhau tại đại học, học chung một ngành (Canh nông) và hai người có chung ước mộng tương lai về đất nước Việt Nam. Nhưng cả hai gia đình đều quyết tâm ngăn cản cuộc hôn phối giữa Hoàng Dung và Khánh. Cuối cùng Khánh và Hoàng Dung chọn con đường "lấy nhau vì tình", có nghĩa là hai người tự làm hôn lễ lấy, rồi cặp tình nhân tình nguyện tới một nước nghèo khó ở Phi Châu để giúp dân nơi đó phát triển nông nghiệp. Khi nào bố mẹ hai bên mãn phần, vợ chồng Khánh sẽ trở về Việt Nam để giúp đồng bào sớm ra khỏi niềm tủi nhục thua kém các dân tộc khác.

Truyện ngắn cuối cùng của tập truyện là "Tiếng Xưa". Đây là truyện chính của tập truyện. Một thiếu phụ với ba mối tình cùng một lúc. Tình cảm và chính trị quyện vào nhau, có thể dựng thành một truyện phim rất ăn khách. Hương tức Marilyn là nhân vật nữ chính trong cốt truyện, là tình địch của Jacqueline. Jacqueline tức Tâm Đan là vợ của Bác sĩ Toại, là bạn học cũ của Hương khi còn ở Việt Nam, nàng rất căm thù Hương vì Hương đã chiếm đoạt Toại. Hoạt là người yêu đầu đời của Hương. Vì Hoạt vô bưng theo Việt Cộng nên hai người không lấy nhau được. Cuối cùng, Hương bị gia đình bắt ép phải lấy Triệu, một sĩ quan trẻ cấp úy.

Tháng 4 năm 1975, Jacqueline theo gia đình di tản sang Mỹ. Hương và Triệu bị kẹt lại. Triệu đi tù mất 3 năm. Hoàn cảnh của Hương lúc bấy giờ rất là túng thiếu. Hoạt trở về thành, nắm giữ một chức vụ khá quan trọng, tiền vô túi đếm không kịp. Hoạt vẫn còn độc thân và vẫn còn yêu Hương. Hắn đi tìm Hương, nhưng hai người không thể lấy nhau được vì Hương đã có gia đình. Cuối cùng Hoạt lo cho gia đình Hương vượt biên. Sau khi đến Mỹ, Hương gặp lại Jacqueline. Bác sĩ Toại, chồng Jacqueline, nhận chữa trị chứng bịnh kinh nguyệt cho Hương, bên trong tử cung có bướu. Từ đó, cuộc tình vụng trộm giữa Toại và Hương bắt đầu. 

Hương còn ba người em bị kẹt lại ở Việt Nam nên nàng quyết định về thăm các em. Lần này, Hương gặp lại Hoạt. Dù biết rằng Hoạt đã có vợ hai con, nhưng Hương muốn được trả ơn Hoạt bằng cách làm tình với y. Nhờ từng trải việc đời, Hương đã làm cho Hoạt càng mê tít. Nhân cơ hội Cộng sản tổ chức văn phòng du lịch tại Mỹ, Hoạt vận động để được tháp tùng phái đoàn. Nhờ chuyến đi nầy, Hoạt được gặp lại Hương. Sau cuộc giao hoan với Hương tại chính căn nhà của nàng, Hoạt đã bị Triệu bắt gặp bèn cho Hoạt mấy nhát dao. Hoạt chỉ bị thương nặng chứ không chết. Triệu bị Cảnh sát bắt giam. Nhờ lanh trí, chẳng những Triệu không bị gán tội cố sát, mà còn được cộng đồng người Việt binh vực, ủng hộ gây quỹ, và vinh danh là anh hùng chống Cộng.

Qua cách diễn tả của tác giả, người đọc thấy rằng Hương vẫn còn yêu Hoạt; đồng thời nàng cũng yêu Toại rất là tha thiết. Mỗi lần làm tình với Toại hay Hoạt, Hương vẫn nồng nhiệt, vẫn tham gia triệt để. "Hương biết nàng đã đi tới điểm cuối cùng của con đường ngoằn ngoèo mong thoát khỏi cảnh phải làm tình với Hoạt rồi. Hoạt vẫn nóng nẩy, vẫn thèm khát, vẫn như muốn ăn tươi nuốt sống nàng. Thái độ hối hả nôn nóng của Hoạt tất nhiên cũng làm nàng hứng khởi nên nàng buông xuôi. Hương định cởi áo ra nhưng thoáng nhớ Toại, nàng bèn đứng dậy, nói:
- Anh chờ em đi tắm một chút, nhé!" (trang 300)

Lần sau cùng gặp lại Hoạt tại Việt Nam, Hương đã mở đường cho hưu chạy như sau: "Đang lơ mơ sống với những hình ảnh của dĩ vãng thì có tiếng gõ cửa, Hoạt đã đến trước giờ hẹn. Và khi đón Hoạt ở phòng khách, Hương đã ôm chàng thật tự nhiên như những người ở bên Mỹ mỗi khi gặp nhau khiến Hoạt đứng ngây như khúc gỗ. Thấy hai bàn tay của Hoạt bối rối, Hương làm vẻ bạo dạn hơn, ghì mạnh cho ngực hai người ép sát vào nhau. Thế là cánh cửa thiên đàng bật mở. Mối tình thắm thiết của chàng và nàng như hỏa diệm sơn chợt tới ngày phá vỡ đỉnh núi để phun ra."


"Đã lỡ đà rồi nên Hương làm mặt lì hơn, hai tay nàng níu vai Hoạt xuống, cái cổ vươn lên cho đôi môi đặt một nụ hôn lên má chàng. Thấy Hoạt vẫn còn bối rối, Hương mời gọi người tình:
- Hôn em đi, anh... Em chờ... em chờ..." (trang 270)

Còn đối với Toại thì Hương lúc nào cũng tham dự trò chơi một cách nhiệt tình và triệt để. Một cảnh xảy ra ở bãi đậu xe như sau: "Khi tới nơi hẹn hò thì Hương đã thấy chiếc xe Land Rover của Toại đậu chờ nàng. Nàng lái tới bên Toại rồi mở cửa sau của xe Toai bước lên vì như thường lệ, Toại đã ngồi sẵn ở sau xe chờ nàng vì chỗ đó những kính xe đã được nhuộm mầu sậm đen, ở ngoài nhìn vào không thấy gì. Ngay khi cánh cửa xe đóng lại, Hương như rớt vào chiếc bẫy sập, còn Toại như con cọp đói, hai tay chàng vươn ra, ôm cứng lấy Hương, môi chàng gắn chặt lên môi Hương khiến nàng muốn ngộp thở. Tiếp theo, hai bàn tay chàng lùng sục khắp thân thể Hương. Rồi chàng vừa vực Hương nằm lên băng ghế sau vừa hấp tấp kéo quần Hương xuống. Hai người giẫy giụa quấn quít nhau khiến chiếc xe lắc lư như đang bị một trận cuồng phong đang thổi qua." (trang 288)

Đọc hết tập truyện Tiếng Xưa, người đọc thấy rằng tác giả rất tinh ý trong khi dựng truyện: những chi tiết rất gần gũi với ngoài đời, những tâm lý được lột trần một cách nhuần nhuyễn, và lập trường quốc gia được bày tỏ một cách rõ rệt, nhất là ở trong truyện Ngàn Thương. Người Việt ở hải ngoại rất thành công trong hai lãnh vực học vấn và tài chánh, nhưng bù lại cũng đã có biết bao thảm cảnh gia đình, mà Tiếng Xưa là một điển hình.

Đọc Tiếng Xưa để cảm thông cho hay ghét những nhân vật vì hoàn cảnh hoặc thiếu ý thức nên đã đưa đẩy họ vào hố sâu của tội lỗi. Nói tóm lại, hai yếu tố TÌNH và TIỀN là đầu mối của mọi tội lỗi ở thế gian này. Nếu ta không biết sử dụng đứ?g đắn hai thứ này thì dễ đi tới tội lỗi và thân bại danh liệt.


Qua năm thập niên cầm bút, các tác phẩm của nhà văn Đỗ Tiến Đức từ trước đến nay rất được độc giả đón nhận, từ Hoa Niên (tiểu thuyết, 1954), tới Má Hồng (tiểu thuyết, 1968), rồi Lối Vào (tuyển tập truyện ngắn, 1990), và Vầng Trăng Trong Mưa (tuyển tập truyện ngắn, 1993). Đó là chưa kể ba phim truyện đã lên màn ảnh xi-nê rất thành công, như: Ngọc Lan (1972), Yêu (1973) và Giỡn Mặt Tử Thần (1975).

Với tác phẩm Tiếng Xưa này, nhà văn Đỗ Tiến Đức đã góp phần không nhỏ cho kho tàng văn học Việt Nam lưu vong ở hải ngoại. Với ngòi bút sắc bén và điêu luyện, người đọc tin chắc tuyển tập truyện ngắn Tiếng Xưa đã, đang, và sẽ được độc giả khắp nơi đón nhận và trân qúi đặt vào tủ sách gia đình. 

Địa chỉ mua sách như sau: Nhà Xuất Bản Thời Luận, P. O. Box 65705, Los Angeles, CA 90065 (U.S.A.). Điện thoại số: (323) 225-4561. Địa chỉ Email: Thoiluan3@aol.com.

(Đức Phố, ngày 4 tháng 7 năm 2001)


Vĩnh Liêm
Vinhliem9@aol.com