TAM KỲ XƯA VÀ NAY



    Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam, là một địa danh trung tâm của nước Việt. Khoảng cách từ Tam Kỳ với Sàigòn và Hà Nội bằng nhau, nên người xưa đã lấy hai chữ Tam Kỳ (trung tâm của ba kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ) để đặt tên cho thành phố.
    Tam Kỳ trước gọi là Hà Ðông, nằm trên quốc lộ 1. Nơi đây còn lưu lại nhiều di tích của Chiêm Thành như tháp Chiên Ðàn, tháp Khương Mỹ, đồng Con Nghê... cùng nhiều danh thắng khác như Kim Ðái, Thạch Kiều, Sông Tiên, Gò Trời, giếng Trụ Trời, gò Phật Ngồi... đã tạo cho vùng đất này một sắc thái hài hòa, ngoạn mục.
    Theo tác giả Nguyễn Q. Thắng trong "Quảng Nam Ðất Nước và Nhân Vật" thì trước đây bà Trần Quang Diệm, có chồng làm Huấn học tại Hà Ðông, đã cám cảnh sinh tình, sáng tác bài thơ Ðường dưới đây ca ngợi cảnh sắc địa danh này:
Phong cảnh Hà Ðông có phải đây
Có Tòa Ðại lý, có lầu Tây
Khúc sông Bàn Thạch quanh quanh chảy
Ngọn núi Thanh Lâm lớp lớp xây
Kim Ðái đai vàng đâu chẳng thấy (1)
Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây (2)
Sông Tiên nào thấy ông tiên tắm
Bủa lưới, giăng câu mấy chú chài.

    Năm 1962, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chia Quảng Nam ra làm hai tỉnh, và Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Tín. Tôi xin được mạo muội họa lại bài thơ trên với những nét chấm phá mới để phù hợp với phong cảnh hiện tại:

Tam Kỳ tỉnh lỵ chính là đây
Thiết lộ chạy dài dọc hướng Tây
Tòa Tỉnh xây lưng thôn Ðá Dựng (3)
Quận đường ngoảnh mặt dốc Dàn Xây (4)
Thạch Bàn ghế đá nay còn đó (5)
An Thổ "đất lành chim đậu" đây (6)
Hãy ngắm trăng lên đồi Quảng Phú
Trường Giang thấp thoáng bóng ghe chài.

AN SƠN

CHÚ THÍCH :
1.-Kim Ðái dịch ra chữ Hán là đai vàng
2.-Thạch Kiều, chữ Hán là cầu đá
3.-Thôn Ðá Dựng nằm về xã Kỳ Lý, Tam Kỳ
4.-Dốc Dàn Xây thuộc xã Phước Long của quận.
5.-Thạch Bàn, chữ Hán là ghế đá
6.-An Thổ, tiếng Hán là đất lành